Nuôi dạy con là một quá trình gian lao, quá trình này đòi hỏi cha mẹ luôn phải có sự kiên nhẫn với con và trở thành tấm gương để con học tập.
Người Do Thái và người Nhật Bản đã nỗ lực duy trì văn hóa nuôi dạy con này theo suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc và đất nước. Mặc dù văn hóa mỗi nước là khác nhau nhưng nét văn hóa dạy con của người Nhật Bản và người Do Thái là bài học dành cho tất cả mọi người.
1. Khi con khóc, kệ nó. Tuyệt đối không dỗ, không xin lỗi, không bế, không thoả hiệp với con lúc này. Kể cả là mình sai. Không bao giờ để con nhận ra khóc lóc là một loại vũ khí chống lại được bố mẹ. Rất khó rèn lại.
2. Khi con nín, hãy hỏi con tại sao con khóc. Nếu mình sai, hãy xin lỗi (để con biết rằng ai sai cũng phải xin lỗi). Nếu con sai, hãy giải thích thật chậm và đơn giản. Mục đích là để con hiểu vấn đề, khi đã bình tĩnh trở lại. Không giải thích khi con đang khóc, nó chẳng nghe đâu.
3. Khi con không đồng ý (tức là khi con ương). Hỏi lý do tại sao con làm vậy. Sau đó luôn bắt đầu bằng câu “À có phải là… nên con mới…”. Đây là một bài học về đàm phán trong quản trị doanh nghiệp mà mình được học từ rất nhiều năm trước, và nó luôn hữu dụng. Hãy cho đối phương (và ở đây là con mình) hiểu rằng mình có lắng nghe và hiểu vấn đề của họ, trước khi thuyết phục họ theo ý kiến của mình. Trong quản trị, đó là hình tượng bước sang bên đối phương để hướng ánh nhìn đồng cảm của họ về phía mình.
4. Khi hướng dẫn cho con, hãy tận tình và thật tâm. Càng tôn trọng con và hướng dẫn một cách chi tiết, con sẽ càng hiểu chuyện, tăng khả năng ngôn ngữ và yêu thích việc hướng dẫn lại cho người khác, tức là tăng kỹ năng của con.
5. Khi con có gì hay muốn nói, hãy dừng việc đang làm, lắng nghe con bằng tất cả đam mê. Con sẽ cảm nhận được sự tôn trọng.
6. Khi con làm được việc, đừng khen kết quả, hãy khen quá trình. Đừng khen con giỏi, hãy khen cách con đã cố gắng. Từ đó nuôi dưỡng trong con tinh thần “có cố gắng là sẽ làm được”. Điều đó quan trọng hơn cả việc cho con tiền bạc hay nhà cửa.
Sưu tầm