Đối với người thường, cảm cúm gây khó chịu và ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt, cuộc sống. Còn đối với mẹ bầu, cảm cúm có thể diễn biến nặng hơn và gây ra các biến chứng như: viêm phổi và có nguy cơ sinh non.
Những biện pháp phòng ngừa cúm
Tiêm phòng cúm
Thông thường mùa cúm bắt đầu từ tháng 10 kéo dài đến hết tháng 5. Vậy nên tháng 10 hoặc tháng 11 là thời điểm tốt để bạn tiêm phòng cúm. Mũi vắc xin này sẽ bảo vệ được cả bạn và bé trong 6 tháng khi bạn sinh em bé. Điều này rất quan trọng bởi mũi tiêm ngừa cúm không an toàn cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cúm
Virus cảm cúm co thể lây khi bạn đứng gần ai đó bị bệnh ho, hắt hơi hoặc khi tiếp xúc gần, nói chuyện. Ngoài ra, nó còn lây khi bạn dùng chung dồ dùng với người mắc cúm; sau đó bạn chạm vào mũi, miệng hoặc mắt của mình.
Vì bệnh cúm lây rất dễ nên việc bạn tránh xa, hạn chế tiếp xúc với nguồn lây là rất quan trọng. Để tránh mắc cúm khi mang thai, bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm. Ngoài ra, bạn có thể dùng dung dịch rửa tay chứa chất cồn và hạn chế chạm vào mũi, mắt, miệng.
Không chỉ vậy, bạn nên xây dựng cho mình thói quen sinh hoạt lành mạnh, đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn nhiều trái cây. Và đặc biệt là nên tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.